BỆNH VÕNG MẠC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Bệnh võng mạc đái tháo đường (VMĐTĐ, Diabetic Retinopathy) là tình trạng bệnh lý với các tổn thương xảy ra ở võng mạc do bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) gây nên. Đây là một trong những biến chứng hay gặp nhất tại mắt của bệnh ĐTĐ. Theo ước tính đến năm 2020 trên toàn thế giới có 285 triệu người mắc bệnh ĐTĐ, trong đó có khoảng 30% bệnh nhân có biến chứng võng mạc do bệnh ĐTĐ.

          Bệnh có thể gặp ở mọi giai đoạn của bệnh ĐTĐ. Triệu chứng của bệnh rất đa dạng, ở giai đoạn sớm có thể không có triệu chứng, tuy nhiên ở giai đoạn muộn bệnh để lại rất nhiều những di chứng nặng nề ở đáy mắt, nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.

Biến chứng do bệnh đái tháo đường

Cơ chế sinh bệnh là gì?

Bệnh võng mạc đái tháo đường là bệnh lý của vi mạch võng mạc đặc trưng bởi những tổn thương: rò rỉ, giãn phình hoặc tắc mạch, nguyên nhân do việc không kiểm soát được lượng đường máu cao trong cơ thể.

Các tổn thương thành mạch máu võng mạc dẫn đến hình thành các vi phình mạch, thành mạch bị xơ hóa, rối loạn chức năng, tắc mạch gây giảm khả năng tưới máu, thiếu oxy tổ chức, thành mạch có thể vỡ gây xuất huyết, tăng tính thấm thành mạch gây ra phù võng mạc và hình thành các xuất tiết.

Sự tắc mạch gây ra thiếu máu, tăng kích thích sản sinh các mạch máu mới gọi là tân mạch. Các tân mạch này rất yếu, dễ vỡ dẫn tới các biến chứng xuất huyết, tăng sinh  dịch kính võng mạc, và cuối cùng dẫn đến mất thị lực.

Những ai dễ mắc bệnh?

Bệnh VMĐTĐ có thể gặp ở tất cả các bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ. Tuy nhiên nguy cơ sẽ cao hơn ở nhóm bệnh nhân:

– Kiểm soát đường máu kém.

– Tăng huyết áp.

– Thời gian mắc bệnh ĐTĐ càng dài nguy cơ biến chứng VMĐTĐ càng cao.

– Cholesterol máu cao.

– Đang mang thai.

Phân loại bệnh lý VMĐTĐ

Bệnh VMĐTĐ không tăng sinh (nonproliferative): là bệnh VMĐTĐ ở giai đoạn sớm, đây là hình thái hay gặp nhất của bệnh VMĐTĐ. Hình thái này được chia làm 3 mức độ nhẹ, trung bình và nặng. Ở giai đoạn này, các vi mạch võng mạc bị suy yếu tạo thành các phình mạch võng mạc. Các mạch máu võng mạc bị tắc nghẽn dẫn đến các mạch máu bất thường, tĩnh mạch võng mạc bị giãn và co thắt cho hình ảnh tràng hạt. Hiện tượng rò rỉ mạch võng mạc, đôi khi vỡ mạch để lại các di chứng xuất tiết, xuất huyết võng mạc.

Hình ảnh bệnh VMĐTĐ không tăng sinh

Bệnh VMĐTĐ tăng sinh (proliferative): là giai đoạn nặng của bệnh VMĐTĐ. Các mạch máu bất thường phát triển trong võng mạc. Hiện tượng rò rỉ mạch máu, vỡ mạch dẫn tới các biến chứng xuất huyết dịch kính, tăng sinh co kéo dịch kính võng mạc, và cuối cùng là bong võng mạc mất chức năng.

Hình ảnh bệnh VMĐTĐ tăng sinh

Bệnh lý hoàng điểm ĐTĐ: là hình thái riêng trong các tổn thương võng mạc do bệnh ĐTĐ. Các biến đổi vi mạch dẫn tới hiện tường phù, các xuất tiết cứng lan vào vùng hố trung tâm hoàng điểm. Bệnh nhân có hội chứng hoàng điểm và thường tổn hại thị lực nặng nề.

Bệnh võng mạc đái tháo đường được chẩn đoán như thế nào?

          Lời khuyên quan trọng nhất đối với những người bệnh ĐTĐ là cần thiết phải đi khám mắt định kỳ từ 1 – 2 lần/năm, điều này sẽ giúp phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh. Có nhiều biện pháp thăm khám giúp chẩn đoán bệnh:

          Nhỏ giãn đồng tử để kiểm tra đáy mắt

          Là cách thức thăm khám cơ bản và quan trọng nhất được sử dụng để chẩn đoán BVMĐTĐ. Bệnh nhân sẽ được nhỏ thuốc để giãn đồng tử và kiểm tra đáy mắt, đánh giá các tổn thương như:

  • Các biến đổi mạch máu bất thường trên võng mạc
  • Phù hoặc xuất huyết, xuất tiết tại võng mạc.
  • Tân mạch võng mạc, tân mạch gai thị.
  • Xuất huyết trong buồng dịch kính.
  • Các tổn thương tăng sinh dịch kính võng mạc
  • Bong võng mạc.
Hình ảnh võng mạc bình thường
Hình ảnh bệnh võng mạc đái tháo đường

Chụp mạch ký huỳnh quang đáy mắt (Fluorescein angiography, FA): đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh nhằm xác định được mạch máu nào của võng mạc bị rò rỉ hay tắc nghẽn, đánh giá vị trí và phạm vi của vùng võng mạc thiếu máu nhờ sự di chuyển của thuốc nhuộm Fluorescein trong lòng mạch máu.

Hình ảnh chụp FA của mắt bình thường
Hình ảnh chụp FA của BVMĐTĐ

Chụp cắt lớp võng mạc (Optical Coherence Tomography, OCT):  là phương pháp thăm dò chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, cho phép đánh giá chi tiết hình ảnh cắt lớp võng mạc theo không gian 3 chiều, Trong bệnh VMĐTĐ, chụp OCT giúp phát hiện sớm các tổn thương vùng hoàng điểm như phù, biến đổi các lớp vùng hoàng điểm, phát hiện vị trí các ổ xuất huyết, xuất tiết hay các biến chứng bong biểu mô sắc tố, co kéo dịch kính võng mạc vùng hoàng điểm.

Hình ảnh chụp OCT của mắt bình thường
Hình ảnh phù hoàng điểm do bệnh ĐTĐ

Bệnh võng mạc đái tháo đường điều trị ra sao?

          Điều trị BVMĐTĐ tùy thuộc rất lớn vào mức độ của bệnh và trên từng bệnh nhân cụ thể. Mục tiêu chính của việc điều trị làm chậm và làm giảm quá trình diễn biến của bệnh và điều trị các biến chứng nếu có.

  1. Bệnh võng mạc đái tháo đường không tăng sinh

Với bệnh nhân được chẩn đoán mắc BVMĐTĐ không tăng sinh, có thể chưa cần thiết điều trị ngay lập tức. Việc kiểm soát chế đường huyết tốt, có chế độ ăn uống và luyện tập thể dục thể thao lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các biến chứng võng mạc của bệnh ĐTĐ. Bên cạnh đó bệnh nhân sẽ có một chế độ theo dõi định kỳ chặt chẽ với các bác sĩ mắt nhằm phát hiện các tiến triển của bệnh và được điều trị kịp thời.

  • Bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh

    Ở giai đoạn này bệnh nhân cần thiết có sự can thiệp điều trị của các bác sĩ nhãn khoa.  Điều trị trong giai đoạn này có thể bao gồm các phương pháp như:

          Laser khu trú võng mạc (Photocoagualation): là phương pháp sử dụng laser quang đông bắn vào các khu vực mạch máu bất thường hoặc vùng thiếu máu võng mạc khu trú nhằm mục đích làm giảm sự rò rỉ mạch máu và tích tụ dịch ở trong võng mạc.

          Laser dạng lưới võng mạc (Panretinal photocoagualatio): đây là phương pháp laser quang đông toàn bộ võng mạc trừ vùng võng mạc trung tâm. nhằm làm giảm sự thiếu máu võng mạc. Áp dụng trong các trường hợp có thiếu máu võng mạc rộng, hoặc bệnh VMĐTĐ giai đoạn tăng sinh nặng.

          Phẫu thuật cắt dịch kính (Vitrectomy): thường được áp dụng khi bệnh VMĐTĐ đã có các biến chứng tăng sinh dịch kính gây co kéo võng mạc, xuất huyết dịch kính hay bong võng mạc. .

          Tiêm nội nhãn thuốc kháng VEGF: Hiện nay việc tiêm nội nhãn thuốc AntiVEGF đang trở thành chỉ định đầu tay trong điều trị bệnh lý phù hoàng điểm do bệnh VMĐTĐ gây ra. Tiêm nội nhãn bằng thuốc kháng VEGF được tiến hành định kỳ theo phác đồ cá thể hóa hoặc phác đồ mở rộng, giúp cải thiện và duy trì thị lực cho bệnh nhân mắc bệnh VMĐTĐ một cách hiệu quả.

Ths. Bs Nguyễn Quang Thành

Bài viết liên quan

Chi đoàn thanh niên Bệnh viện Mắt Hà Đông tham gia “Ngày hội Hiến máu tình nguyện” năm 2022

      Thực hiện Công văn số 75 – CV/ĐTN ngày 20/12/2022 của Quận Đoàn Hà …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *