MỘNG THỊT – MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT

Bs. Nguyễn Thị Thu Uyên

1. Mộng thịt là gì?

Mộng là một khối tăng sản xơ mạch của kết mạc nhãn cầu có hình tam giác, đỉnh quay về phía trung tâm giác mạc, đáy quay về phía cục lệ (mộng góc trong) hoặc về phía cùng đồ ngoài (mộng góc ngoài).

Bệnh gặp phổ biến ở nước ta (chiếm 5,42% dân số) thường gặp ở lứa tuổi trên 40t. Tuy chưaxác định được nguyên nhân gây ra mộng thịt nhưng một số nhà khoa học cho rằng nó có thể là kết quả của việc tiếp xúc thường xuyên, nhiều giờ dưới ánh sáng mặt trời và gió, những người sống trong vùng khí hậu nhiệt đới hoặc khí hậu khô.

Yếu tố khiến nguy cơ mắc mộng thịt cao như:

– Sống ở các nước gần đường xích đạo, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thường xuyên.

– Làm các công việc ngoài trời.

– Các chất gây kích ứng mắt như bụi, gió, phấn hoa và khói có thể gây khô mắt.

2. Phân loại: thường phân loại theo 2 cách:

2.1. Phân loại theo giải phẫu:

Độ 1: đầu mộng quá rìa giác mạc 1mm

Độ 2: đầu mộng chưa tới ½ bán kính giác mạc

Độ 3: đầu mộng vượt quá ½ bán kính giác mạc

Độ 4: đầu mộng tới  trung tâm giác mạc

Độ 1 Độ 2
Độ 3 Độ 4

2.2. Phân loại theo sự hình thành mộng:

– Mộng nguyên phát(chưa được phẫu thuật lần nào)

– Mộng tái phát(đã được phẫu thuật ít nhất 1 lần)

– Mộng thứ phát (mộng giả): xuất hiện sau một số bệnh lý giác mạc: chấn thương, viêm loét, bỏng. Chỉ dính ở đầu mộng.

– Mộng dính mi cầu: thường gặp ở mộng tái phát hoặc sau các chấn thương, bỏng. Thân mộng dính bám vào mi mắt và bề mặt nhãn cầu, gây ảnh hưởng đến chức năng vận nhãn.

Các hình thái: liên quan đến tái phát mộng

3. Triệu chứng lâm sàng

* Triệu chứng chủ quan:

– Thường không thấy khó chịu.

– Có thể có: cộm vướng, đỏ mắt, kích thích, khô mắt, chảy nước mắt (nhất là khi tiếp xúc khói bụi hoặc uống rượu bia)

– Song thị khi liếc ngang, loạn thị

– Khó chịu về thẩm mỹ

– Giảm thị lực khi mộng xâm lấn vào trung tâm giác mạc

* Triệu chứng khách quan: khám bằng đèn soi thông thường hoặc đèn sinh hiển vi sẽ thấy:Có màng đỏ ở góc trong và(hoặc) góc ngoài mắt che một phần giác mạc (lòng đen). Thân mộng có thể dày hoặc mỏng tuỳ theo tổ chức xơ bên dưới tăng sinh nhiều hay ít, màu sắc đỏ hoặc hồng nhạt tuỳ theo độ cương tụ của mạch máu thân mộng.

* Các dấu hiệu khác có thể gặp:

– Đảo Fuchs: là những ổ thẩm lậu đi trước đầu mộng gồm những tế bào viêm tích tụ lại thành từng đám màu trắng đục, nằm ngay lớp biểu mô trước đầu mộng

Đảo Fuchs

– Đường Stocker: là đường sắc tố màu nâu đi trước đầu mộng, tương đương với màng Bowman, là biểu hiện của sự lắng đọng sắt do phản ứng sinh hóa khi tiếp xúc với ánh nắng.

Đường Stocker

– Sự co rút của tổ chức thân mộng: thường xảy ra với những mộng to dày nhiều tân mạch và xâm lấn giác mạc nhiều. HIện tượng này có thể gây dính mi – cầu và hạn chế vận động của nhãn cầu.

Mộng dính mi cầu

4. Sự phát triển của mộng và các biến chứng

4.1. Tiến triển

Mộng nguyên phát thường tiến triển rất chậm trong hàng chục năm, cũng có thể rất nhanh trong vòng vài tháng. Quá trình hình thành mộng thường trải qua hai giai đoạn

– Giai đoạn kết mạc: thường kéo dài, đôi khi hết đời mà không chuyển sang giai đoạn sau. Triệu chứng: phù kết mạc rìa góc trong, sung huyết kết mạc khe mi nhẹ, có thể giãn mạch kết mạc và co kéo của kết mạc nhãn cầu về phía rìa tạo nên mào cạnh rìa. Giai đoạn này bệnh nhân thường có triệu chứng kích thích nhẹ kiểu giống như dị vật vào mắt, đặc biệt khi đi gió, nắng

– Giai đoạn giác mạc (mộng thực thụ): sự gồ lên của mào cạnh rìa làm mất sự liên tục của phim nước mắt, rối loạn dinh dưỡng và hình thành những ổ loét giác mạc nhỏ. Quá trình bệnh lý này được lặp đi lặp lại tạo sẹo và sự xâm lấn của kết mạc nhãn cầu với đầy tân mạch vào giác mạc hình thành mộng điển hình

4.2.Các biến chứng

-Hiện tượng Dellen

– Song thị, loạn thị xuất hiện khi có dính mi cầu.

– Viêm kết mạc dai dẳng, chảy nước mắt.

– Song thị xuất hiện khi có dính mi – cầu gây hạn chế vận nhãn.

– Nang vùng biểu mô vùng thân – đầu mộng.

Loét Dellen
Nang vùng biểu mô

5. Phương pháp điều trị mộng

5.1. Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt mộng đã được thực hiện từ thế kỷ 18, là phương pháp duy nhất có hiệu quả, được chia thành 3 nhóm sau:

5.1.1. Cắt mộng có ghép tổ chức

Ra đời và phát triển từ những năm đầu thế kỷ 20, là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất, đem lại hiệu quả cao, tỷ lệ tái phát thấp nhất hiện nay.

– Ghép kết mạc rìa tự thân: mảnh ghép được lấy từ mắt phẫu thuật hoặc mắt còn lại của bệnh nhân. Tỷ lệ tái phát khoảng thông thường < 5%

– Ghép màng ối, đem lại kết quả tốt, tỷ lệ tái phát thường < 10%.

5.1.2. Cắt mộng đơn thuần

Là phương pháp ít được sử dụng hơn vì tỉ lệ tái phát cao.

Các kỹ thuật đều giống nhau ở những thì đầu: bóc tách mộng khỏi chỗ bám, cắt bỏ mộng, bộc lộ củng mạc sát rìa dưới chỗ bám mộng cũ. Sau đó tuỳ theo thái độ xử trí vùng củng mạc để lộ mà chia thành các kỹ thuật khác nhau:

– Cắt mộng để hở một phần củng mạc (Dombrain, Macgvic, Kamel

– Cắt mộng và kéo vạt khâu đính lại nhau (Aslt, Czermak, Campodonico):

– Cắt mộng phối hợp tịnh tiến vạt kết mạc có chân (Terson, Arruga, Sato):

– Cắt mộng tạo hai vạt kết mạc (Hervouet)

5.1.3. Di chuyển đầu mộng

Cơ sở của phương pháp là chuyển hướng phát triển của đầu mộng lệch khỏi giác mạc để tránh biến chứng gây mù loà. Đây là kỹ thuật đơn giản, nhanh chóng và có thể áp dụng cho tất cả các loại mộng. Nhược điểm lớn nhất là mô bệnh lý vẫn còn nguyên vẹn, tiếp tục phát triển kèm theo sự xoắn vặn của kết mạc làm mộng tái phát nặng hơn

5.2. Nội khoa

Việc điều trị nội khoa không đưa lại kết quả tốt trong việc hạn chế sự tiến triển của mộng thịt, thường được áp dụng trong các trường hợp mộng viêm, mộngđộ 1gây kích thích. các thuốc được sử dụng: nước mắt nhân tạo, kháng sinh, kháng viêm nhẹ (Loteprednol,Fluorometholone…)

Liệu pháp vật lý: tia X, tia Beta, hiện nay không được sử dụng do nhiều tác hại với nhãn cầu. Liệu pháp laser Argon dùng để đốt tân mạch vùng rìa củng mạc nhằm hạn chế sự tái phát đưa lại hiệu quả tốt với tỷ lệ tái phát chỉ còn 1,06%.

Liệu pháp hóa học: gồm 2 nhóm chính. Dùng Corticoid làm hạn chế tân mạch và sự tạo xơ nên được sử dụng để điều trị sau mổ mộng. Thuốc chống chuyển hóa Mitomycin C (MMC)…

Phẫu thuật điều trị Mộng thịttại Bệnh viện Mắt Hà Đông

Trong những năm qua, Bệnh viện Mắt Hà Đông với đội ngũ bác sĩ giỏi và giàu kinh nghiệm, trang thiết bị máy móc hiện đại, đã phẫu thuật thành công hàngngàn ca mộng thịt bằng phương pháp ghép kết mạc rìa thân, ghép màng ối, hầu như không có tỷ lệ tái phát, đem lại sự hài lòng rất lớn cho người bệnh.

Bệnh nhân được phẫu thuật mộng tại Bệnh viện Mắt Hà Đông

Mộng thịt không thể phòng tránh, tuy nhiên thói quen sinh hoạt tốt sẽ giúp hạn chế nguy cơ bị bệnh.Thường xuyên đeo kính râm khi ra ngoài trời.Nếu làm những công việc phải ở ngoài trời nhiều hãy cho mắt nghỉ ngơi trong bóng râm sau một thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Không tự ý tra nhỏ thuốc, khi có dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến cơ sở khám chữa bệnh về Mắt uy tín khám và điều trị.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nhãn khoa tập II, Chủ biên: PGS.TS.Đỗ Như Hơn
  2. https://www.healthline.com/health/pinguecula#pingueculae-vspterygia
  3. https://www.southerncross.co.nz/group/medical-library/pterygium-causes-symptoms-treatment-prevention
  4. https://www.msdmanuals.com/en-kr/professional/eye-disorders/conjunctival-and-scleral-disorders/pinguecula-and-pterygium

Bài viết liên quan

Chi đoàn thanh niên Bệnh viện Mắt Hà Đông tham gia “Ngày hội Hiến máu tình nguyện” năm 2022

      Thực hiện Công văn số 75 – CV/ĐTN ngày 20/12/2022 của Quận Đoàn Hà …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *