NGUY CƠ “DỊCH CHỒNG DỊCH” TẠI VIỆT NAM

Theo chuyên gia, bên cạnh Covid-19, Việt Nam vẫn phải đối mặt các căn nguyên gây bệnh hàng năm. Nếu không cẩn trọng, tình trạng “dịch chồng dịch” có thể xảy ra.

Bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và Tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho hay thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi để các bệnh lây truyền do virus gia tăng.

“Hàng năm, thời điểm này đều là cao điểm của các bệnh viêm đường hô hấp do virus như sởi, quai bị, thủy đậu, rubella… Do đó, tùy người, với những nguy cơ khác nhau, chúng ta nên có phương pháp tiêm phòng phù hợp”, bác sĩ Điền nói.

Sốt xuất huyết có thể bùng phát mạnh trong năm nay

Vị chuyên gia này nhận định do biến đổi khí hậu, các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm không khí…, cũng thay đổi, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Mùa đông xuân với mưa phùn làm độ ẩm tăng cao, nhiệt độ thấp, ánh sáng mặt trời ít (có khả năng khử khuẩn) khiến virus tồn tại trong môi trường lâu hơn.

Bác sĩ Điền cho biết: “Theo thống kê, mỗi 4 năm, dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát mạnh hơn với số lượng bệnh nhân tăng lên đột biến. Năm nay, theo đúng chu kỳ 2009 – 2013 – 2017 – 2021, chúng ta sẽ phải đối mặt với dịch sốt xuất huyết với quy mô khá lớn”.

Nguyên nhân của chu kỳ này là sau một năm dịch phát triển mạnh, chúng ta thường ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường sống, diệt muỗi, bọ gậy. Lúc này, quần thể trung gian gây bệnh sẽ giảm. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng lại sinh sôi và phát triển thành quần thể đủ lớn để tạo thành dịch.

Bác sĩ Vũ Minh Điền khuyến cáo về nguy cơ “dịch chồng dịch”

Ngoài ra, các dịch bệnh khác như chân tay miệng, cúm gia cầm với virus có độc lực cao, tốc độ lây lan nhanh vẫn lưu hành, buộc chúng ta không được phép chủ quan.

“Dịch chân tay miệng vẫn thường xuyên lưu hành ở nước ta. Nếu không tích cực phòng dịch, khả năng dịch bệnh này bùng phát vào mùa hè là rất cao. Trong khi đó, cúm gia cầm với bộ gene của cúm mùa có thể khiến dịch lây lan nhanh hơn”, bác sĩ Điền giải thích.

Trong khi đó, chúng ta vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm Covid-19. Để đạt miễn dịch cộng đồng, khoảng 70-80% dân số phải có miễn dịch trước SARS-CoV-2. Mục tiêu này buộc Việt Nam và thế giới nỗ lực trong thời gian dài.

“Nếu chỉ mải phòng, chống dịch Covid-19 và bỏ quên các nguy cơ căn nguyên bệnh khác, tình trạng ‘dịch chồng dịch’ hoàn toàn có thể xảy ra”, vị chuyên gia này khẳng định.

Phòng tránh kịp thời

Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và Tiêm chủng vaccine cho biết hiện vẫn tồn tại nhiều trường hợp điều trị sai cách các bệnh do virus, gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.

“Với thủy đậu, việc điều trị bệnh này chống chỉ định với corticoid. Tuy nhiên, một số nhân viên y tế địa phương thiếu kinh nghiệm khi thấy bệnh nhân sốt, đau mỏi người ra mua thuốc lại kê thuốc chống viêm, giảm đau, hạ sốt có thể có thành phần này gây suy giảm miễn dịch, khiến virus thủy đậu dễ bùng phát”, bác sĩ Điền ví dụ.

Do vậy, khi có biểu hiện nhiễm virus cấp tính, bệnh nhân nên nghỉ ngơi, ăn uống điều độ và đến cơ sở y tế sớm để thăm khám. Đặc biệt, người dân cần tránh tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị vì có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Thay vào đó, chúng ta có thể sử dụng thêm các loại vitamin, sinh tố, hoa quả nhằm tăng đề kháng, oresol bù nước hay thuốc nhỏ mắt…

Triệu chứng của các bệnh liên quan virus thường là cấp tính như sốt cao đột ngột trong 1-2 ngày đầu, hết sốt và tiến tới đau đầu, mỏi người…, tùy từng loại bệnh. Do đó, bệnh nhân nếu chủ quan, không điều trị và nghỉ ngơi đúng cách có thể gây bội nhiễm, lâu khỏi.

Ngoài ra, bác sĩ Điền khuyên ngoài tiêm vaccine, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý để phòng bệnh, người dân cần thường xuyên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ trong khoảng thời gian này.

Người dân trong thời gian này cần lưu ý việc vệ sinh về mặt, rửa tay kỹ, đề phòng các dịch bệnh do virus gây ra, đặc biệt là sốt xuất huyết.

Về yếu tố không khí, trong những ngày có nắng, chúng ta nên mở cửa để ánh sáng mặt trời khử độc không gian trong nhà. Nếu có điều kiện, người dân có thể mua và sử dụng máy lọc không khí. Những thiết bị này với màng lọc hepa có thể hút và xử lý các vi sinh vật, bào tử nấm, virus…

“Người dân cũng nên có thói quen làm sạch bề mặt, rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi nấu ăn để hạn chế nguy cơ virus phát triển trong môi trường sống”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Với những trường hợp dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ, người cao tuổi, chúng ta cũng nên tạo không gian thoáng mát, nhiều cửa sổ và ánh nắng. Việc này cũng có thể hạn chế khả năng nhiễm các bệnh liên quan virus vào mùa nồm ẩm cho người già và trẻ em.

Một số thông tin cũng cho rằng việc nuôi chó, mèo là nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ Điền khẳng định lông chó, mèo chỉ là yếu tố dị nguyên, gây bệnh với những người không phù hợp như bệnh nhân viêm mũi dị ứng, hen phế quản… Lúc này, không khí nồm ẩm với nhiều mầm bệnh kết hợp với lông chó, mèo là yếu tố gây tăng nặng phản ứng dị ứng.

https://soyte.hanoi.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/nguy-co-dich-chong-dich-tai-viet-nam

Thùy Dung

(Nguồn: soyte.hanoi.gov.vn)

Bài viết liên quan

Hướng tới kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 – 27/02/2024)

Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *