PHẪU THUẬT CẮT DỊCH KÍNH

1. Tổng quan phẫu thuật cắt dịch kính

Phẫu thuật cắt dịch kính là phẫu thuật loại bỏ một phần hoặc toàn bộ dịch kính trong mắt người bệnh.

Hình 1: Giải phẫu của mắt.

Dịch kính là chất lỏng nhầy trong suốt, nằm sau thể thuỷ tinh, chiếm gần 80% thể tích của nhãn cầu. Khối dịch kính ở mắt chính thị có chiều dài trục gần 16,5 mm, lõm phía trước sau thuỷ tinh thể, phía sau là võng mạc. Vỏ dịch kính được bao quanh không hoàn toàn bởi lớp màng Hyaloid gồm các sợi colagen. Vùng nền dịch kính rộng khoảng 2 mm nằm trước và sau oraserrata 1 mm. Dịch kính và võng mạc bám chắc ở: nền dịch kính, đĩa thị, hoàng điểm, và các mạch máu trên võng mạc. Điều này giải thích các hiện tượng: tăng sinh, xuất huyết, co kéo dịch kính – võng mạc.

Phẫu thuật cắt dịch kính được ra đời trên thế giới từ những năm 1970. Từ đó đến nay, kỹ thuật cắt dịch kính đã có những bước tiến dài. Nhờ nghiên cứu ra những phương tiện và dụng cụ mới ngày càng hoàn chỉnh, cắt dịch kính đã đạt được những thành tựu vô cùng quan trọng.

Phẫu thuật cắt dịch kính bao gồm 2 loại, phẫu thuật cắt dịch kính bán phần trước và phẫu thuật cắt dịch kính bán phần sau. Phẫu thuật cắt dịch kính bán phần trước là phẫu thuật cắt dịch kính thông qua đường rạch giác mạc nhằm cắt phần dịch kính trong tiền phòng, bờ đồng tử hoặc thông qua lỗ đồng tử cắt dịch kính 1/3 trước trong trường hợp đã lấy thủy tinh thể. Trong khi đó phẫu thuật cắt dịch kính bán phần sau qua đường Pars plana thường can thiệp sâu hơn vào bán phần sau của nhãn cầu, loại bỏ một phần hay hoàn toàn dịch kính, nhằm điều trị các bệnh lý của dịch kính võng mạc ở phía sau.

Hình 2: Minh họa phẫu thuật cắt dịch kính bán phần sau.

2. Chỉ định phẫu thuật cắt dịch kính

– Xuất huyết dịch kính: Có chỉ định cắt dịch kính khi máu trong buồng dịch kính không tiêu sau 4 tuần, tuy nhiên nếu có những nguy cơ co kéo rách-bong võng mạc thì cần cắt sớm. Rách võng mạc, phình mạch, bệnh tiểu đường, tắc tĩnh mạc trung tâm võng mạc, bệnh Eales…

– Bệnh võng mạc tăng sinh: tiểu đường, tắc tĩnh mạch, hồng cầu hình liềm, bệnh Eales…

– Bong võng mạc phức tạp: có xuất huyết dịch kính, vết rách khổng lồ, vết rách cực sau, tăng sinh dịch kính võng mạc…

– Bệnh lý võng mạc trung tâm: màng xơ trước võng mạc, lỗ hoàng điểm, xuất huyết trước hoặc dưới võng mạc.

– Lệch hoặc rơi thuỷ tinh thể hoặc IOL trong buồng dịch kính.

– Viêm nội nhãn: cần cắt loại bỏ ổ nhiễm trùng.

– Tổ chức hoá dịch kính sau viêm.

– Biến chứng sau chấn thương mắt: Xuất huyết dịch kính, dị vật nội nhãn, bong võng mạc, vỡ thuỷ tinh thể, viêm nội nhãn.

3. Kỹ thuật

– Cắt dịch kính trong tiền phòng hoặc một phần dịch kính trước có thể tiến hành qua đường rạch giác mạc.

– Cắt dịch kính sau được thực hiện qua đường rạch củng mạc vùng pars plana bằng dao củng mạc cỡ 23; 25-27 gauge để đặt đinh nước, đèn lạnh hoặc camera nội nhãn và đầu cắt dịch kính.

                         

                       Hình 3 Cắt dịch kính bán phần trước

       Hình 4 Cắt dịch kính bán phần sau

Tiến hành cắt dịch kính, lấy đi phần dịch kính bệnh lý, xuất huyết hoặc tăng sinh. Thực hiện các can thiệp vào võng mạc như: bóc màng xơ co kéo, điện đông võng mạc, lấy dị vật trên võng mạc, hút dịch- máu dưới võng mạc, laser quang đông võng mạc….

Hình 5: Hút máu trước võng mạc

   Hình 6: Laser vết rách võng mạc         Hình 7: Laser toàn bộ võng mạc

Đặt các vật liệu ấn độn ngoại nhãn hoặc nội nhãn như : đai độn củng mạc ngoại nhãn hoặc bơm dầu khí ấn độn nội nhãn.

Hình 8 : Đai củng mạc

Hình 9 : Trao đổi khí – dầu Silicon

4. Biến chứng

Bên cạnh biến chứng thường gặp nhất trong tất cả các ca phẫu thuật là nhiễm trùng và chảy máu thì phẫu thuật cắt dịch kính có thể gặp nhiều biến chứng khác như bong võng mạc, rách võng mạc, phù gai thị, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể ngay sau phẫu thuật do chạm phải thủy tinh thể trong quá trình phẫu thuật hoặc đục thủy tinh thể muộn sau một thời gian do rối loạn dinh dưỡng và chuyển hóa của thủy tinh thể.

5. Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ được nhỏ mắt, uống thêm kháng sinh, giảm phù, giảm viêm 5 đến 7 ngày nhằm giúp cho mắt lành lại. Trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ được khuyến cáo không lao động nặng trong vài tuần sau phẫu thuật. Đặc biệt nếu bệnh nhân được áp dụng phương pháp bơm khí nở để cố định võng mạc thì bệnh nhân sẽ phải cố định đầu của mình, ví dụ như cúi mặt xuống hay nghiêng đầu sang bên trái hoặc bên phải tùy theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân cũng sẽ không được đi máy bay trong quá trình điều trị bằng khí nở.

6. Phẫu thuật cắt dịch kính tại Bệnh viện Mắt Hà Đông

Tại Việt Nam, phẫu thuật cắt dịch kính đã được đưa vào ứng dụng ở Bệnh viện Mắt Trung Ương từ những năm 1991. Năm 2006, phẫu thuật cắt dịch kính bán phần trước đã được triển khai tại Bệnh viện Mắt Hà Đông. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các phương tiện máy móc ngày càng hiện đại, phẫu thuật cắt dịch kính đã ngày càng được hoàn thiện. Năm 2016, phẫu thuật cắt dịch kính bán phần sau đã bắt đầu được triển khai tại Bệnh viện Mắt Hà Đông đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Cho đến nay, phẫu thuật cắt dịch kính đã trở thành một phẫu thuật thường quy, hàng nghìn ca phẫu thuật cắt dịch kính đã được tiến hành thành công, giúp đem lại ánh sáng cho rất nhiều bệnh nhân.

Hiện nay Bệnh viện Mắt Hà Đông đã được trang bị đầy đủ các phương tiện, máy móc hiện đại, đồng bộ giúp triển khai kỹ thuật cắt dịch kính một cách hoàn chỉnh nhất bao gồm:

– Hệ thống máy cắt dịch kính tốc độ cao OS4, với công nghệ cắt kép cho tốc độ cắt lên tới 10.000 nhát cắt/phút, đi kèm hệ thống đèn lạnh công suất cao, hệ thống điện đông, bơm dầu … cho phép thực hiện kỹ thuật cắt dịch kính một cách an toàn, hiệu quả với độ chính xác cao.

Hình 10: Hệ thống máy cắt dịch kính OS4

– Hệ thống máy sinh hiển vi phẫu thuật hiện đại, có độ phóng đai cao, kết hợp với hệ thống kính soi đáy mắt gián tiếp Biom có trường nhìn rộng, hệ thống lăng kính phẳng, lăng kính nghiêng … cho phép quan sát được rõ nét bán phần sau nhãn cầu với hình ảnh ba chiều giúp thực hiện phẫu thuật tinh tế trên võng mạc một cách dễ dàng.

Hình 11: Hệ thống sinh hiển vi phẫu thuật Oculus

– Hệ thống máy laser quang đông nội nhãn kèm laser ngoại nhãn đa điểm Valon

Hình 12: Máy laser đa điểm Valon

– Hệ thống máy lạnh đông củng mạc

Hình 13: Máy lạnh đông củng mạc

– Hệ thống camera nội nhãn hiện đại cho hình ảnh với độ phân giải cao, bằng cách đưa đầu camera nội nhãn siêu nhỏ vào trong nhãn cầu, truyền hình ảnh trực tiếp ra ngoài màn hình, giúp giải quyết phẫu thuật tất cả các trường hợp bệnh lý dịch kính võng mạc vùng khó quan sát.

Hình 14: Camera nội nhãn

BS. Vũ Văn Ngọc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Hướng tới kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 – 27/02/2024)

Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *